Lý luận có động cơ

“Lừa đảo bùng phát trên mạng: Mờ mắt vì hoa hồng cao. Không còn lừa đảo tự phát, các nhóm lừa đảo dưới hình thức tuyển cộng tác viên (CTV) bán hàng online đã phát triển thành tổ chức, những băng nhóm, xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp, đưa số nạn nhân cũng như số tiền chiếm đoạt ngày càng lớn.” - Tuổi Trẻ Online 13/1/2021

Tờ 500,000đ mới tinh nằm trên mặt đất. Một nhà kinh tế bước qua nó mà không mảy may nhặt lên. Một người bạn hỏi: “Ông không thấy tiền ở đó à?" Nhà kinh tế trả lời: "Tôi nghĩ rằng tôi đã nhìn thấy, nhưng chắc hẳn tôi đã tưởng tượng ra nó. Nếu có 500,000đ trên mặt đất thì ai đó đã nhặt nó lên trước đó rồi.”

Để cho lý thuyết suông cản trở cái bạn thấy ngay trước mắt như nhà kinh tế bên trên thì bạn đánh mất đi cơ hội thực tế. Kiến thức/Lý thuyết là mô phỏng của thực tế, chỉ có ý nghĩa khi nó giúp bạn phán đoán đúng tương lai và hành động sao cho có lợi nhất cho bạn. Thực tế luôn có độ sai lệch so với lý thuyết và bạn cần biết nắm bắt cơ hội. Vấn đề ngược lại là khi bạn phớt lờ đi lý thuyết cũng là khi bạn dễ rơi vào cạm bẫy của lừa đảo.

Hàng ngày có cả một đội quân lừa đảo mày mò đi tìm các phương pháp lừa đảo mới, hiệu quả hơn, tinh vi hơn dựa trên các nghiên cứu về tâm lý học cộng thêm sáng tạo dành cho địa phương đó. Ở Việt Nam có thể lừa đảo về sản phẩm yến sào còn ở Mỹ thì lừa đảo về sản phẩm tài chính. Chắc hẳn bạn đọc qua nhiều các câu chuyện để biết thủ thuật lừa đảo diễn ra như thế nào và các bước cần thiết để bạn bảo vệ bản thân. Kiến thức đó là lý thuyết. 

Nhưng khi bị giăng bẫy, có một yếu tố về tâm lý khiến bạn chủ quan phớt lờ xem nhẹ lý thuyết mà bạn đã biết. Tâm lý “mong muốn điều mình đang nghe/thấy là đúng” khiến bạn cảm giác điều đó đúng, vì nếu nó đúng, bạn sẽ kiếm được tiền, giải quyết được những khó khăn của hiện tại. Vì vậy mà lừa đảo càng nở rộ trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Mong muốn này càng lớn, bạn càng dễ tin điều mình đang nghe/thấy là đúng. Bạn dựng lên một loạt lý luận “lý thuyết là vậy, nhưng trường hợp này thực tế Other”, “sản phẩm này làm đẹp ai chẳng muốn làm đẹp nên chắc chắn là sẽ bán được”,… để khoả lấp cho những điều nghi ngờ. Trong khi đó, người lừa đảo dựng nên những tình tiết xung quanh để củng cố lý luận của bạn, như là đặt đơn hàng ảo, giấy từ chứng nhận sản phẩm ảo… Vậy là bạn tin. Lý luận của bạn đã sai ngay từ đầu vì nó không đến từ thực tế, nó đến từ động cơ “mong muốn điều mình đang nghe/thấy là đúng” để giải quyết khó khăn của hiện tại.

Nhìn thẳng vào vấn đề, tránh được xu hướng “lý luận có động cơ” là bước quan trọng để bạn tự bảo vệ bản thân trước những chiêu trò lừa đảo ngày càng nở rộ.