Cây búa và con ốc vít

“VN-Index xuống đáy 15 tháng. Nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu dầu khí, phân bón, hàng tiêu dùng khiến VN-Index giảm phiên thứ tư liên tiếp, xuống mức thấp nhất 15 tháng qua.” - VnExpress 22/6/2022 [link]

Có nhiều cách để bạn lựa chọn các mã chứng khoán. Một cách là đọc báo cáo tài chính của công ty (lời - lỗ, tài sản - nợ, tiền mặt - máy móc,…) và các tin tức thị trường. Bạn sẽ chọn các công ty triển vọng lớn + giá không quá mắc hoặc công ty triển vọng ổn + giá rẻ. Cách khác là nhìn biểu đồ lên xuống của các mã và đoán tiếp theo nó sẽ lên hay xuống. Mỗi cách dựa vào một công cụ khác nhau. Một cách là dựa vào phân tích hoạt động kinh doanh. Một cách là dựa vào nhìn biểu đồ.

Ai chỉ biết nhìn biểu đồ thì toàn bộ hoạt động đầu tư dựa trên biểu đồ. Ai chỉ biết phân tích hoạt động kinh doanh thì toàn hộ hoạt động đầu tư dựa trên phân tích hoạt động kinh doanh. Kỹ năng suy nghĩ là một loại công cụ. Công cụ giới hạn thì kết quả sẽ hạn chế. Chưa bàn về cách nào hiệu quả hơn cách nào trong chứng khoán, thì một nguyên lý cốt lõi áp dụng cho cả 2 là:

Nếu bạn cầm một cây búa, thì nhìn việc nào cũng thấy cách giải quyết duy nhất là gõ. Cần có một bộ công cụ đầy đủ để có kết quả tốt

Mỗi lý thuyết, cách diễn giải nguyên nhân - kết quả, là một công cụ. Có những công cụ đã được hình thành từ hàng nghìn năm, như học thuyết Ngũ Hành của Trung Quốc, hay học thuyết 4 nguyên tố cơ bản của Aristotle ở Hi Lạp.

Học thuyết Ngũ Hành và Học thuyết 4 Nguyên Tố

Thuyết Ngũ Hành cho rằng có 5 loại vật chất cấu thành nên mọi thứ trong vũ trụ: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ cùng với mối quan hệ sinh ra nhau (Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim) hoặc triệt tiêu nhau (Kim diệt Mộc, Mộc diệt Thổ, Thổ diệt Thuỷ, Thuỷ diệt Hoả, Hoả diệt Kim). Từ công cụ diễn giải này mà người xưa đã áp dụng cho cơ thể con người, cho rằng mọi bệnh tật đều do sự bất hoà giữa các nguyên tố bên trong. Các nội tạng chứa các nguyên tố khác nhau triệt tiêu nhau mất đi sự cân bằng mà sinh ra bệnh. Vì vậy mà để chữa bệnh, người xưa cho rằng phải bổ khuyết các nguyên tố để mang lại sự cân bằng. Ví dụ như bệnh cao huyết áp do can mộc sinh tâm hoả nên phải chữa vào tâm (an thần).

Còn cách đó vài nghìn km, tương tự là Aristotle của Hi Lạp cổ đại với học thuyết 4 nguyên tố: Nước, Lửa, Đất, Không Khí. Hippocrates dùng lý thuyết này của Aristotle để mô tả 4 thành phần trong cơ thể người và cho rằng mọi bệnh tật cũng do mất cân bằng giữa 4 thành phần này.

Công cụ giới hạn thì kết quả cũng giới hạn. Áp dụng các lý thuyết này mà trải qua hàng nghìn năm sức khoẻ và tuổi thọ con người gần như không cải thiện, chỉ sống được 20-30 tuổi rồi chết. Mãi đến khi có các công cụ diễn giải tốt hơn thì tuổi thọ con người mới cải thiện, ví dụ như phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn và hiện tượng viêm nhiễm do vi khuẩn gây bệnh, hay diễn giải về hệ miễn dịch tự nhiên và cách nó hoạt động,… Các công cụ diễn giải này sinh ra các loại thuốc, phương pháp hiệu quả hơn.

Avatar: The Last Airbender

Trong bộ phim hoạt hình Mỹ “Tiết khí sư cuối cùng”, nhân vật Avatar trong truyền thuyết là người duy nhất có khả năng vận dụng cả 4 thành tố: Nước, Lửa, Đất, Không Khí, là 4 thành tố nền tảng của 4 vương quốc. Vì vậy Avatar là người dung hoà các thành tố và gìn giữ hoà bình cho thế giới.

Aang là cậu bé tái sinh của Avatar được sinh ra tại vương quốc Không Khí, may mắn thoát chết trong lúc vương quốc Lửa thảm sát cả vương quốc Không Khí. Trước tham vọng bá chủ của Ozai thủ lĩnh vương quốc Lửa, Aang trải qua nhiều thử thách phiêu lưu gặp được những sư phụ giỏi ở các vương quốc còn lại, và cả những đồng đội chân thành, để cuối cùng chiến thắng được Ozai, tiêu diệt được lực lượng không quân Lửa tinh nhuệ.

Bạn thấy đó, đến cả huyền thoại Avatar cũng phải trải qua bao nhiêu năm thử thách, và cả những cơ duyên, góp nhặt đủ các thành tố cần thiết trước khi hoàn thành được nhiệm vụ truyền thuyết của mình. Nếu bạn chỉ có một hoặc một vài kỹ năng, cách tư duy, thì bạn cũng sẽ là cậu bé Aang đang cần hoàn thiện hơn để trở thành một Avatar. Nếu cách duy nhất bạn biết để xây dựng tài sản là tiết kiệm thì không bằng bạn biết khi nào dùng công cụ "tiết kiệm" khi nào thì dùng công cụ "chi tiêu thông minh". Một người sếp chỉ biết cách duy nhất để hoàn thành công việc là tự mình làm mọi thứ sẽ không bằng sếp biết khi nào tự làm, khi nào giao việc, cho ai, khi nào thì đào tạo, đào tạo ai.

Còn bạn nếu tốt nghiệp trường chuyên lớp chọn chỉ biết cách duy nhất để làm việc là lý thuyết sách vở thì gặp việc gì cũng quay lại sách vở để tìm câu trả lời. Bạn khác hiệu quả hơn sẽ biết khi nào dùng lý thuyết sách vở, khi nào đi hỏi trực tiếp, hỏi ai, hỏi như thế nào, lúc nào, khi nào nên thử sai để khám phá, thử sai cái gì. Bạn sẽ cần kiến thức kỹ thuật, kiến thức máy tính, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngôn ngữ, kiến thức thị trường, kiến thức tâm lý, toán học, kinh tế, tiếp thị,... để tránh bản thân gặp việc gì cũng nghĩ giải quyết bằng kỹ thuật chuyên môn, hay việc gì cũng giải quyết bằng giao tiếp, và tự vẽ ra lối mòn cho bản thân trong suốt hàng chục năm sự nghiệp sắp tới.

Hi vọng bạn sẽ sớm hoàn thiện bộ công cụ của bản thân và hoàn thành sứ mệnh của mình.