Hệ mở vs. Hệ đóng

Thảo luận cởi mở với người đáng tin cậy và bất đồng quan điểm với bạn là cách nhanh nhất để học và tăng xác suất của bạn trong việc nhận định đúng

Mối lo lạm phát chắc hẳn đang nằm trong suy nghĩ của nhiều người và là chủ đề trong nhiều cuộc bình luận. Cái khó là “lạm phát”, như nhiều vấn đề xã hội, tưởng dễ mà khó. Và quan điểm của nhiều chuyên gia dù trái ngược nhau nhưng là nền tảng để chính phủ lắng nghe, tổng hợp trước khi đưa ra được các quyết sách thông minh:

“Chuyên gia nghĩ khác nhau về nỗi sợ lạm phát. Ông Trần Đình Thiên cho rằng Việt Nam không nên "quá lo mà bỏ lỡ cơ hội" còn ông Vũ Thành Tự Anh cảnh báo lạm phát có thể "đáng ngại trong tương lai".” - VnExpress 6/6/2022 [link]

Việc luôn cởi mở đón nhận những luồng ý kiến trái chiều, các thông tin, tư tưởng mới là cần thiết để duy trì được sự bền vững. Đất nước Trung Quốc cũng từng trải qua một thời kỳ đóng cửa kéo dài về tư duy khiến cho vị thế bị mất đi.

Người Trung Quốc gọi thế kỷ 19 là thế kỷ của sự nhục nhã khi triều đại nhà Thanh sụp đổ sau một thời gian dài suy thoái, và không chịu được áp lực từ một Châu Âu đang dần mạnh mẽ với hàng loạt phát minh khoa học kỹ thuật, quân sự. Đầu thế kỷ 19, người Châu Âu tìm đến Trung Quốc với yêu cầu giao thương, nhưng bị từ chối. Người Anh vì vậy đã mang thuốc phiện đến để gây nghiện cho cả dân tộc Trung Quốc và dẫn đến cuộc Chiến Tranh Thuốc Phiện diễn ra từ 1839 đến 1842. Trung Quốc thất bại. Nhà Thanh dần sụp đổ, mở ra một Thế Kỷ Nhục Nhã. Trung Quốc thực ra đã có một thời gian dài thống trị kinh tế và quân sự của thế giới, là đầu tàu của các phát minh và cách tân (thị trường tài chính, thuốc súng, công nghệ in ấn, kiến trúc,...). Mãi đến thế kỷ 16 thời nhà Minh, họ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, mối quan hệ giao thương quy mô nhất, ngành công nghiệp đóng tàu công nghệ hiện đại cùng đội hải quân hùng mạnh. Và đột nhiên, các hoàng đế nhà Minh quyết định ngừng khám phá, ngừng nghe ngóng những thành tựu khoa học công nghệ từ Châu Âu và các miền đất xa xôi, dành nhiều thời gian hưởng lạc thay vì điều hành, trao quyền lại cho các quan nhiếp chính, thái giám. Các hoàng đế nhà Minh lúc đó xem Trung Quốc là một đất nước quá rộng và lớn mạnh, không cần phải tiếp thu thêm từ bên ngoài. 300 năm sau đó là khoảng thời gian họ yếu dần. Sự suy yếu của họ khó thấy được trong ngắn hạn, kể cả trong trọn vẹn 80 năm một đời người. Nhưng điều tất yếu cuối cùng cũng đến. Từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, Trung Quốc đã không còn vị thế cường quốc.

Tương tự vậy, Việt Nam ta trải qua thời kỳ đóng cửa nền kinh tế trước thời điểm đổi mới, mở cửa giao thương 1986. Thời kỳ bao cấp đó cũng đã khiến đất nước trì trệ rất nhiều và gây ra nhiều khó khăn cho đời sống của người dân. Đổi mới, mở cửa là đáp án đúng, nhưng đòi hỏi đi kèm biết sàng lọc cái tốt để hội nhập, thích nghi. May mắn là lãnh đạo đất nước ở thời điểm đó đã thực hiện thành công cho phép chúng ta phát triển liên tục đến hôm nay.

Bên cạnh những chuyển biến trong thế giới con người, thế giới tự nhiên cũng dần thay đổi với cùng nguyên lý. Theo định lý số 2 của nhiệt động học, một hệ thống kín sẽ dần phân rã, tăng sự xáo trộn và mất dần hàm lượng thông tin hữu dụng bên trong nó. Vì vậy mà các hệ thống muốn tồn tại bền vững luôn phải mở để đón nhận cái mới từ bên ngoài để cân bằng lại cái cũ bị phân rã. Cơ thể người là một ví dụ. Nếu không tiếp nhận thêm cái mới từ thức ăn, nguồn nước, oxy, khoáng chất, vi lượng, ánh nắng... để cân đối lại quy trình đốt cháy năng lượng và phân rã của tế bào, thì cơ thể người không duy trì được trong suốt nhiều thập kỷ. Thực tế thì toàn bộ tế bào của bạn được thay thế hoàn toàn trong vòng khoảng 7 tháng. Bạn là một con người hoàn toàn mới so với 7 tháng trước, theo đúng nghĩa đen của từ “mới”. Cũng vậy, “hệ mở” đòi hỏi một bộ lọc tốt và nguyên liệu chất lượng đi kèm để cơ thể hấp thụ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 5/6/2022 có phát biểu tại Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam 2022 rằng Việt Nam không chọn nền kinh tế đóng:

“Có độc lập, tự chủ mới tích cực hội nhập được. Ngược lại, tích cực hội nhập để củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đây là hai mặt song song của một quá trình”. [link]

Quan điểm lựa chọn nền kinh tế mở thể hiện tinh thần cầu tiến này của cả đất nước. Và câu chuyện phản biện cởi mở về cách đối phó với “lạm phát” cũng trên cùng nguyên tắc “mở để tồn tại“ này.

Vậy còn tư duy của bạn có là một hệ mở để sẵn sàng tiếp nhận những ý tưởng mới mẻ?

Với biết bao chuyển biến liên tục trên thế giới về khoa học công nghệ, xu hướng văn hoá, kinh tế, chính trị,... thì ý tưởng hiện có của bạn trở nên cũ kỹ, lạc hậu dần là điều không thể tránh khỏi. Bạn đang tiếp nhận, sàng lọc và tích hợp những điều mới mẻ như thế nào?