Đồng hồ Covid

“Một biến chủng virus mới, lai giữa biến chủng Ấn Độ và Anh, có tốc độ lây nhanh, phát tán mạnh trong không khi, đang được ghi nhận ở Việt Nam. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết như trên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19, sáng 29/5. Ông Long cho biết hiện nay giải trình tự gene virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng thường thấy là Ấn Độ và Anh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế phát hiện một chủng mới có sự lai tạo giữa hai biến chủng trên. Trên chủng Ấn Độ có những đột biến gene của chủng Anh. "Bộ Y tế sẽ công bố chủng này trên bản đồ gene thế giới", ông Long nói.” - VnExpress 29/5/2021

Các ngôi nhà phố ở Việt Nam ta chắc vẫn còn quen thuộc với đồng hồ điện nằm ngay cửa ra vào. Trên mặt đồng hồ điện là bánh xe số điện quay đều, quay đều và quay càng lúc càng nhanh khi các thiết bị điện công suất cao như máy lạnh, bếp từ,… được sử dụng nhiều hơn. Ở các chung cư trong nội thành Hà Nội và Tp.HCM đa phần các đồng hồ điện này của mỗi căn hộ được giấu đi, chỉ còn số điện do công ty điện lực báo mỗi cuối tháng để gia đình thanh toán.

Trong thời kỳ cấm vận dầu mỏ và khủng hoảng năng lượng đầu những năm 1970, người Hà Lan bắt đầu chú ý đến việc sử dụng điện hơn. Khi thực hiện khảo sát tại một khu ngoại ô gần Amsterdam, người ta phát hiện ra rằng một số ngôi nhà trong tiểu khu này sử dụng điện ít hơn hẳn so với những ngôi nhà khác. Điều lạ là tất cả các ngôi nhà đều được tính giá điện như nhau, được xây dựng giống nhau cùng một lượt, tất cả đều có những gia đình tương tự, vào ở cùng lúc và phân bố ngẫu nhiên. Điểm chung của các ngôi nhà sử dụng ít điện là có đồng hồ điện tương tự nhà phố Việt Nam, nằm ngay cửa ra vào với bánh xe số điện quay liên tục. Còn các ngôi nhà còn lại có đồng hồ điện giấu dưới tầng hầm nên gia đình ít khi thấy, giống như đồng hồ điện của các căn hộ chung cư Việt Nam giấu ở phòng kỹ thuật điện tổng của toà nhà. Nếu có đợt khảo sát điện ở Hà Nội hay Tp.HCM hẳn tình trạng cũng sẽ tương tự như ở Amsterdam. Các gia đình khi di dời từ nhà phố lên căn hộ chắc hẳn sử dụng điện nhiều hơn đáng kể.

Số ca lây nhiễm covid đang tăng đặc biệt nhanh ở Tp.HCM giống như đồng hồ điện nằm ngay cửa chính của một gia đình. Nhờ có con số này được báo cáo kịp thời mỗi ngày mà chính quyền và người dân có thể phản ứng quyết liệt tương đương với tình hình để kiểm soát chuỗi lây lan. “Đồng hồ covid” này khá hiệu quả, chính xác và nằm ở “mặt tiền” trong mọi gia đình trong Tp.HCM thông qua trang đầu của hầu hết các tờ báo lớn. “Đồng hồ covid” này chỉ có một nhược điểm duy nhất: trễ. Không ai biết chính xác con số hiện tại phản ánh độ trễ bao nhiêu, chỉ biết là nó trễ, phản ánh thực tế tình hình dịch bệnh vài ngày đến vài tuần trước. Vì không rõ ràng điểm này nên có người lo sợ nhiều, người lo sợ ít hơn và ít có các biện pháp tự bảo vệ hơn. Chính vì “đồng hồ covid” trễ như vậy mà vòng lặp cân bằng của covid có nguy cơ bị phá vỡ, như ở Mỹ năm ngoái hay Ấn Độ mới đây, dù các tờ báo ở đây cũng đăng tin nhanh và chuẩn xác không kém gì ở Việt Nam.

Covid + cộng đồng Tp.HCM là một hệ thống. Covid có vòng lặp phản hồi của nó, càng nhiều người nhiễm càng nhiều người nữa có rủi ro bị lây nhiễm. Cộng đồng Tp.HCM có vòng lặp triệu tiêu để phản kháng, càng nhiều người nhiễm thì cộng đồng càng giãn cách xã hội. Quan trọng là trong cùng một hệ thống, vòng lặp triệt tiêu cần đủ mạnh để ngăn vòng lặp phản hồi đi quá xa và phá vỡ trạng thái cân bằng tạm thời.


Vì “đồng hồ covid” có độ trễ từ vài ngày đến vài tuần, mỗi người dân khi đọc thông báo các ca nhiễm mỗi sáng hãy tự nhân con số đó lên 2 lần hoặc lên hẳn 10-100 lần để hình dung con số nhiễm bệnh thực sự và có hành động tương xứng với tình hình. Nếu hôm nay Tp.HCM phát hiện không phải là 35 ca mới, mà là 70, 350 hay 3500 ca hiện hữu thì bạn sẽ có biện pháp tự bảo vệ như thế nào?